Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

ĐIỂM DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH: ĐÌNH LÀNG KHƯU XÃ PHỤC LINH, HUYỆN ĐẠI TỪ, TỈNH THÁI NGUYÊN

2021-08-31 07:19:00.0

 

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Phục Linh là một xã miền núi nằm ở khu vực phía Bắc huyện Đại Từ, cách trung tâm huyện 07 km; Phía Đông giáp thị trấn Giang Tiên (huyện Phú Lương), phía Tây giáp xã Tân Linh, phía Nam giáp xã Cù Vân và xã Hà Thượng, phía Bắc giáp xã Phấn Mễ (huyện Phú Lương)

Vùng đất Phục Linh nói riêng, huyện Đại Từ nói chung có lịch sử phát triển từ rất lâu đời. Các thế hệ nối tiếp, các dân tộc, dòng họ, gia đình quần cư bên nhau, sát cánh khắc phục những khó khăn của thiên nhiên khai phá đất đai, phát triển sản xuất và xây dựng quê hương. Cùng với thời gian, nhân dân các dân tộc xã Phục Linh đã cống hiến công sức để xây dựng tạo nên xóm làng khang trang, xây dựng nên một miền quê trù phú, cùng với nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương Phục Linh.

Đình làng Khưu - Phục Linh

II. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ, ĐẶC ĐIỂM CỦA DI TÍCH

Xã Phục Linh được hình thành từ lâu đời. Đầu thế kỷ 19, Phục Linh là một trong hai xã (Phục Linh và Lạc Mỹ) thuộc Tổng Cù Vân, huyện Phú Lương, Phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên. Đến khoảng cuối thế kỷ 19: Phục Linh, Thọ Linh là 2 trong 3 xã (Cù Vân, Phục Linh, Thọ Linh) thuộc tổng Cù Vân, huyện Phú Lương, phủ Tòng hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Đến năm 1927, xã Phục Linh là một trong 4 xã (Cù Vân, Dựng Tú, Phục Linh, Khúc Lộng) thuộc Tổng Cù Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; làng Thọ Linh thuộc xã Phục Linh.

Năm 1953, thực hiện chủ trương chia nhỏ các xã lớn, xã Phục Linh chia thành 2 xã Hà Thượng và Phục Linh.

Ngày 245/1999, thực hiện Nghị định số 18/NĐ-CP ngày 10/4/1999 của Chính phủ về việc “Điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập các xã, phường thuộc các huyện Đại Từ, Phổ Yên, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên”, xã Phục Linh đã tách 2.334 ha diện tích đất tự nhiên và 4.866 nhân khẩu để thành lập xã Tân Linh.

Xã Phục Linh là nơi cư trú, sinh sống của nhiều dân tộc: kinh, Tày, Nùng Sán chay, Dao.......mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng tạo nên vùng đất đa sắc màu văn hóa. Tuy nhiên do sinh sống cùng nhau lâu đời nên chịu sự ảnh hưởng văn hóa, bên cạnh những nét văn hóa đặc trưng của mỗi người thì cộng đồng cư dân nơi đây có những đặc điểm văn hóa chung. Một trong những đặc điểm này là tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, vị thần bảo hộ, che chở cho cộng đồng. Để tỏ lòng thành kính, dân cư đã xây dựng các ngôi đình để thờ ngài. Đình làng khưu cũng được hình thành theo dòng văn hóa này.

Theo các nguồn tài liệu, lời kể nhân chứng địa phương cho biết Đình làng Khưu được xây dựng từ lâu đời, khoảng đầu thế kỷ XIX để thờ thành hoàng làng Dương Tự Minh, ngài là thần nhân. Năm 1924, ông được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong.

Dương Tự Minh là người dân tộc Tày, quê ở Quan Triểu, Phủ Phú Lương (nay là Quan Triều, thành phố Thái Nguyên). Hiện chưa rõ chính xác năm sinh và năm mất của ông, nhưng phần lớn các tài liệu đều ghi nhận ông sống và hoạt động trong khoảng nửa đầu thế kỷ thứ XII. Là người đức độ, có tài thao lược, được vua Lý phong làm thủ lĩnh phủ Phú Lương cai quản phủ Phú Lương - một vùng đất rộng lớn, nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số gồm các Châu: Thượng Nguyên, Vĩnh Thông, Quảng Nguyên, Cảm Hóa, Vạn Nhai, Tư Nông, Tuyên Hóa (tương ứng với đất các tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, một phần tỉnh Vĩnh Phúc, Lạng Sơn ngày nay). Trong ba đời vua nhà Lý: Vua Lý Nhân Tông (1072-1127), Vua Lý Thần Tông (1128-1138), Vua Lý Anh Tông (1138-1175). Đây là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ biên cương đất nước.

Trong thời gian Dương Tự Minh là thủ lĩnh phủ Phú Lương, ông đã có nhiều đóng góp to lớn góp phần bảo vệ vững chắc một dải biên cương phía Bắc được nhà Lý gả hai công chúa là Diên Bình và Thiều Dung, được phong làm Phò mã Đô Úy, những năm cuối đời, ông về sống tại khu vực núi Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương. Sau khi mất, Dương Tự Minh được nhiều triều đại phong kiến Việt Nam phong là “Thượng đẳng thần”

Trong tâm thức dân gian, Dương Tự Minh đã trở thành một vị thánh hết sức thiêng, có năng lực vô hạn để ban phước lành, phù hộ cho nhân dân. Đối với cư dân nông nghiệp thì ông được coi là vị thần nông.

Để ghi nhớ công lao và đức độ của vị thủ lĩnh họ Dương, nhân dân suốt một dải sông Cầu từ “Thượng Đu Đuổm đến hạ Lục đầu Giang” lập đền, đình thờ và tôn vinh ông là Thành hoàng làng, trong đó có Đình làng Khưu, thuộc xóm Khưu 2, xã Phục Linh, huyện Đại Từ.

Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân xã Phục Linh đã góp công, góp sức cùng cả nước đánh giặc. Đặc biệt  từ sau năm 1936, khi cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được thành lập ở xã La Bằng, huyện Đại Từ tạo tiền đề cho phong trào cách mạng ở địa phương phát triển, nhanh chóng đi tới thắng lợi.

Ngày 10/4/1945, chính quyền xã Phục Linh được thành lập. Sau cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội, nhân dân xã Phục Linh đã tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân 2 cấp xã và tỉnh (02/1946). Đình làng Khưu là nơi đã từng  diễn ra kỳ họp đầu tiên của HĐND xã Phục Linh.

Với những đóng góp to lớn trong các thời kỳ cách mạng kháng chiến, xã Phục Linh đã được thủ tướng Chính phủ công nhận là xã An toàn khu (ATK) của Trung ương ở tỉnh Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đình làng 

III. KHẢO TẢ DI TÍCH

Căn cứ vào các tài liệu, lời kể của các cụ cao niên trong làng có thể thấy, Đình Làng Khưu được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ XIX. Đình làng Khưu được làm bằng cột gỗ, vách đất. Đến năm 1942, đình được tu sửa, xây bằng gạch chung quanh, trong lòng cột gỗ. Kiến trúc gồm có hậu cung và tiền tế có một hành lang, 2 hiên và lòng giếng - Hậu cung ra tiền tế có 3 cửa, 2 cửa hai bên, 1 cửa ra thẳng tiền tế xong khi đi ra đi ngang.

Năm 1968, Đình bị phá dỡ đến năm 1973, nhân dân đã tiến hành trùng tu lại lần 2. Năm 1982, đình lại bị phá dỡ và bị mất sắc phong. Đến năm 1997, nhân dân đã trùng tu lại ngôi Đình.

Năm 2017, Đình được tôn tạo, kiến trúc hình chữ nhật gồm 3 gian, gian chính giữa đặt bàn thờ Thành Hoàng làng. Trên ban thờ bài trí tượng thờ và các đồ thờ cúng; các cấu kiện kiến trúc được làm theo lối đơn giản, hệ thống vì kèo bào trơn đóng bén. Trước cửa đình có 02 tượng ngựa có kích thước giống nhau nhưng màu sắc khác nhau đứng cạnh là 02 vị quan như đang canh gác cho đức thành hoàng, đồng thời tạo nên sự uy nghi linh thiêng của di tích.

Theo tài liệu Thần tích- Thần sắc làng Thọ Linh (Làng Khưu) xã Phục Linh, tổng Cù Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên kê khai năm 1938 cho biết ngày cúng tế của Đình gồm: Ngày mồng 6 tháng giêng; Ngày mồng 6 tháng tư; Ngày mồng 6 tháng 7; Ngày mồng 6 tháng chạp.

Di tích Đình làng Khưu có giá trị trong hệ thống cac di tích lịch sử văn hóa của huyện Đại Từ; là nơi sinh hoạt, lưu giữ, hội tụ, chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống, phong tục, nghi lễ...và là nơi gắn kết cộng đồng làng, xã.

Đối với cộng đồng dân cư Việt nói chung và cư dân xã Phục Linh nói riêng,tín ngưỡng thờ thành hoàng làng là một nhu cầu văn hóa, trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống tâm linh. Di tích đình làng Khưu không chỉ là sợi dây gắn kết cộng đồng mà nó còn là biểu tượng văn hóa làng xã, có tác động hết sức sâu sắc đến mọi mặt của đời sống con người, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, thúc đẩy ý thức của mỗi người dân việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Lễ hội Đình làng Khưu là một nét văn hóa, nét đẹp văn hóa truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, cố kết cộng đồng cần được duy trì, gìn giữ và phát huy.

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009.

Căn cứ Thông tư số 09 ngày 14/7/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với UBND huyện Đại Từ, UBND xã Phục Linh lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh xếp hạng Đình Làng Khưu là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ngày 03/12/2020, Chủ tịch UBND nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ký Quyết định số 3876 Quyết định về việc xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh: Đình Làng Khưu, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

T/h: Nguyên Hoàng
Nguồn. UBND xã

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 220622